Những trận đánh quyết định

[Video] Nét đặc sắc trong chỉ đạo chiến lược cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975

Quỳnh Hoa 30/04/2025 09:59

Đầu năm 1975, trước thời cơ chiến lược chưa từng có, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử: mở cuộc tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ban đầu, kế hoạch được vạch ra trong hai năm (1975-1976), nhưng khi thời cơ đến, Đảng đã kịp thời điều chỉnh, rút ngắn thời gian xuống còn một năm và sau đó là trong vòng một mùa khô.

Đầu tháng 10/1974, Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị để bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị đã phân tích tình hình và rút ra những nhận định quan trọng: ta đang ở thế thắng, giữ quyền chủ động và tiếp tục đà tiến công; trong khi đó, địch liên tục thất bại, rơi vào thế bị động và suy yếu.
Mỹ đã rút quân và gặp nhiều khó khăn, nên không có khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự. Ngay cả trong trường hợp Mỹ can thiệp ở một mức độ nào đó, điều này cũng không thể thay đổi cục diện hay cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn...
Do đó, đây là thời cơ thuận lợi nhất để Nhân dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nếu để chậm, các thế lực xâm lược bành trướng mạnh lên, tình hình sẽ phức tạp vô cùng.

Về mặt thời gian, Bộ Chính trị cơ bản thống nhất đề án xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Nhưng Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: nếu thời cơ đến sớm hơn, vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Phải tranh thủ đánh thắng nhanh để giảm bớt sự thiệt hại về người và của cho Nhân dân, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Sau một quá trình chuẩn bị, ngày 4/3/1975, quân dân ta bất ngờ mở chiến dịch tiến công Tây Nguyên - đòn chiến lược mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Bằng nghệ thuật tạo thế, nghi binh lừa địch, ngày 3/4/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và hết sức thuận lợi, ngay khi Chiến dịch Tây Nguyên còn chưa kết thúc, ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị đã họp bàn, bổ sung vào quyết tâm chiến lược: thực hiện phương án tranh thủ thời cơ, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
Như vậy, kế hoạch hai năm đã được rút xuống còn một năm.

Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, khẳng định: Trong suốt 20 năm đánh Mỹ, chưa bao giờ thuận lợi như lúc này. Do đó, “phải nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.

Để thực hiện thành công kế hoạch trên, Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp tục mở đòn tiến công chiến lược thứ hai nhằm giải phóng Huế - Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung.
Thắng lợi của 2 đòn tiến công Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng đã làm thay đổi căn bản so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo bước phát triển nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho cách mạng.
Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ từ chiến trường, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp bàn, ra quyết định lịch sử: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng Tư năm nay, không để chậm”.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Tất cả các cánh quân của ta, bao gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) lần lượt đập tan các tuyến phòng thủ vòng ngoài, đồng thời hình thành các mũi thọc sâu đánh chiếm 5 mục tiêu trọng yếu trong nội đô Sài Gòn.

Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ của quân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Quỳnh Hoa