Việt Nam hôm nay

Chiến thắng của âm nhạc Cách mạng

Nguyễn Phước Thắng 29/04/2025 22:12

Hình ảnh những ca sỹ, nghệ sỹ có tuổi đời còn rất trẻ cùng hàng vạn khán giả hát và khóc cùng với những ca khúc có tuổi đời bằng ông bà của họ - khiến cho nhiều người lớn tuổi của thế hệ kháng chiến chống Mỹ vô cùng tự hào và xúc động. 50 năm sau ngày 30/4/1975, chiến thắng của những giai điệu Cách mạng tự hào, của binh chủng “Nhạc đỏ” anh hùng một lần nữa được khẳng định bởi các thế hệ tương lai…

TẾT 2025_COVER (1920 x 1080 px)

Vừng đông đã hửng sáng
Núi non xanh ngàn trùng xa
Tổ quốc bao la hiền hòa
Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao
Muôn trái tim này hòa nhịp cùng
Ngàn lời ca trong sóng lúa
Lấp lánh sao bay trên quân kỳ

Rồi

Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời
Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi

Hình ảnh những ca sỹ, nghệ sỹ có tuổi đời còn rất trẻ cùng hàng vạn khán giả hát và khóc cùng với những ca khúc có tuổi đời bằng ông bà của họ - khiến cho nhiều người lớn tuổi của thế hệ kháng chiến chống Mỹ vô cùng tự hào và xúc động. 50 năm sau ngày 30/4/1975, chiến thắng của những giai điệu Cách mạng tự hào, của binh chủng “Nhạc đỏ” anh hùng một lần nữa được khẳng định bởi các thế hệ tương lai…

Từ tiếng đàn Măng-đô-lin của người chiến sỹ quyết tử trước lúc hy sinh

Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực dân Pháp quyết định dùng vũ lực để cướp nước ta một lần nữa. Các trận đánh bảo vệ thủ đô Hà Nội của các chiến sỹ cảm tử quân với kẻ thù diễn ra hết sức ác liệt. Bắc Bộ Phủ, nơi ở và làm việc của Hồ Chủ tịch trở thành một trong những nơi thực dân Pháp sẽ tiến công đầu tiên. Đại đội vệ quốc quân ở đây đã tuyên thệ quyết tử để bảo vệ Bắc Bộ Phủ tới cùng.

Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống để thăm và động viên bộ đội ở mặt trận ở phố Khâm Thiên. Giữa những loạt súng nổ ran, chợt Đại tướng nghe thấy tiếng hát của chiến sĩ ta. Ông định nói tiếng hát sẽ làm lộ mục tiêu, nhưng lại dừng lại. Ông bồi hồi nhớ lại, ở trận đánh đồng Đồng Mu, trận đánh thứ ba của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trước ngày Tổng khởi nghĩa, giữa giờ phút khó khăn, gian khổ nhất lại vang lên giọng hát của một chiến sỹ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Năm 1945, khi ở Nha Trang, ông lại gặp các chiến sĩ ta vừa đi vừa hát trên đường ra trận. Vào những giờ phút ác liệt nhất của chiến tranh, những bài ca cách mạng đã có tác dụng thật mãnh liệt.

Tới “Bài ca hy vọng” đập tan xiềng xích ngục tù

Trong cuộc trường chinh 30 năm của dân tộc Việt Nam từ kháng chiến toàn quốc năm 1946 tới 30/4/1975, Côn Đảo là nhà tù nơi chủ nghĩa đế quốc và thực dân dựng nên một địa ngục trần gian để nung chảy tinh thần của những người chiến sỹ cách mạng. Ấy thế mà địa ngục ấy cũng không thể nung chảy được những lời gửi gắm từ hậu phương miền Bắc “gửi lời chim yêu thương, tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ta ngày đêm mong nhớ”.

bai ca hy vong
bai ca hy vong

Sợ hãi trước sức mạnh của lời ca và tinh thần của các chiến sỹ cách mạng, bọn cai ngục đã đổ vôi bột thẳng xuống nơi giam cầm các chiến sỹ để cấm họ hát. Nhưng những lời ca thiết tha vẫn vang lên báo hiệu cho thất bại không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Sau khi ca khúc Bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký ra đời và phát trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam năm 1958, các chiến sỹ cách mạng bị tù khổ sai tại Côn Đảo đã được nghe những giai điệu thân thương ấy từ miền Bắc qua Đài tiếng nói Việt Nam. Họ đã truyền tay nhau và học thuộc “Bài ca hy vọng”. Rất nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng ở Côn Đảo đã hát ca khúc này.

Sợ hãi trước sức mạnh của lời ca và tinh thần của các chiến sỹ cách mạng, bọn cai ngục đã đổ vôi bột thẳng xuống nơi giam cầm các chiến sỹ để cấm họ hát. Nhưng những lời ca thiết tha vẫn vang lên báo hiệu cho thất bại không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Còn đối với miền Nam, chính "Bài ca hy vọng" là một vũ khí lợi hại cho cán bộ địch vận. Lời ca đã thức tỉnh và kêu gọi nhiều người lính ngụy quay súng trở về với đồng bào vì họ tin tưởng sớm muộn Cách mạng sẽ chiến thắng.

Từ “Người mẹ Bàn Cờ” bất khuất giữa đô thành Sài Gòn

Có người mẹ Bàn Cờ

Tay gầy tóc bạc phơ

Chuyền cơm qua vách cấm

Khi ngoài trời đổ mưa

Nhạc sỹ Trần Long Ẩn (người phổ nhạc) và nhà thơ Nguyễn Kim Ngân (người sáng tác bài thơ) đều xúc động trào nước mắt khi được nghe bài hát Người mẹ Bàn Cờ của mình trên sóng đài phát thành Giải phóng trong những ngày mà phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường biểu tình phản đối chính quyền Sài Gòn và quân xâm lược Mỹ lên cao trào.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ở đô thị Sài Gòn, khu Bàn Cờ, quận 3 được xem như vùng căn cứ địa của Cách mạng. Đây là một khu vực rộng lớn, toàn vùng được nối liên hoàn từ nhà này sang nhà khác, rồi nối với các khu như những ô bàn cờ. Người dân ở đây đa số là người dân lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, nhưng lại là nơi có đông đồng bào tích cực tham gia hoạt động, vừa là chỗ dựa cho phong trào, vừa là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ cách mạng. Hình ảnh cảm động của một người mẹ Bàn Cờ, chuyền cơm cho sinh viên qua vách cấm dưới sự truy lùng của cảnh sát, mật vụ Sài Gòn đã được Nguyễn Kim Ngân tận mắt chứng kiến và viết nên bài thơ “Người mẹ Bàn Cờ”. Bài thơ sau đó được nhạc sỹ Trần Long Ẩn phổ nhạc.

Đó chỉ là một trong số nhiều ca khúc của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, phong trào sáng tác những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nói lên khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, quê hương đã thu hút hàng vạn học sinh, sinh viên Sài Gòn xuống đường trong những năm tháng đấu tranh sục sôi dẫn tới sự sụp đổ tất yếu của chính quyền Sài Gòn sau này. hực sự như hàng chục sư đoàn quân tinh nhuệ tấn công vào đô thành Sài Gòn những ngày ấy.

Khi những giai điệu của “Hát cho dân tôi nghe”, “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”, “Người mẹ Bàn Cờ”, “Tổ quốc ơi ta đã nghe”… gắn liền với tên tuổi các nhạc sỹ - chiến sỹ sinh viên ngày ấy như Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, La Hữu Vang, Trần Long Ẩn… đã vang lên và được hàng ngàn, hàng vạn học sinh, sinh viên hưởng ứng và hát theo, kẻ thù đã vô cùng khiếp sơn, chúng nghe thấy như có tiếng bước chân của hàng vạn chiến sỹ Giải phóng quân tinh nhuệ đang tiến về Sài Gòn như thác lũ. Chúng đã cấm sinh viên hát, nhưng lời ca vẫn cất lên mạnh mẽ hơn…

Các ca khúc của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ngày ấy tuy không hẹn mà gặp nhưng đã có sự đồng cảm lớn lao và cộng hưởng sức mạnh cùng với các ca khúc Cách mạng ở miền Bắc Xã hội chủ nghĩa bởi tất cả đều xuất phải từ tình yêu quê hương, đất nước, từ khát vọng thống nhất, Bắc Nam một nhà.

Tới “Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến” biến đau thương thành sức mạnh

Không quá lời khi nói rằng, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, ca khúc do nhạc sỹ Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến Duật năm 1969 đã trở thành bất tử cùng với đường Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn huyền thoại. Biết bao nhiêu chiến sỹ đã đi qua đường Hồ Chí Minh, đã nghe, đã hát Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây. Bài hát ấy cùng rất, rất nhiều những ca khúc Cách mạng khác thời bấy giờ đã động viên bộ đội ta trong những giờ phút khó khăn, gian khổ, hy sinh ác liệt nhất trên đường ra mặt trận.

Đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật khi còn sống đã từng tâm sự rằng, ngày ấy trên đường Trường Sơn không chỉ có những binh đoàn bộ đội và cơ giới mà còn có cả một binh đoàn văn học nghệ thuật nữa. Binh đoàn ấy đã hình thành nên cả một phong trào với tên gọi là “Tiếng hát át tiếng bom”. Chỉ nghe tên gọi ấy, chắc chắn chúng ta đã hiểu sức mạnh vượt trên sự tàn khốc của bom đạn chiến tranh của những ca khúc Cách mạng trong những năm tháng ác liệt ở Trường Sơn và trên khắp các chiến trường. Nếu không có một binh đoàn văn học, nghệ thuật mạnh mẽ và hào hùng ấy, chắc chắn chúng ta không có ngày chiến thắng 30/4/1975.

thanh hoa
Nghệ sĩ Thanh Hoa hát cho các chiến sĩ trên chiến trường

Ngày ấy trên đường Trường Sơn không chỉ có những binh đoàn bộ đội và cơ giới mà còn có cả một binh đoàn văn học nghệ thuật nữa. Binh đoàn ấy đã hình thành nên cả một phong trào với tên gọi là “Tiếng hát át tiếng bom”

Ngày 26/3/1970, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức phát sóng “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sỹ Huy Thục. Người nhạc sỹ, chiến sỹ Bộ đội Cụ Hồ ấy đã viết ca khúc ấy khi đang nằm trên giường bệnh, ông tâm niệm rằng mình sẽ không viết một ca khúc đau thương, bi lụy sau khi Bác qua đời mà sẽ viết một ca khúc để biến đau thương thành sức mạnh, động viên, cổ vũ Bộ đội ta tiến lên, vượt khó khăn giản khổ, vượt Trường Sơn, nhằm thẳng miền Nam xốc tới vì “Bác kính yêu vẫn luôn cùng chúng cháu hành quân”. Bài hát sau này đã sống mãi với đất nước, non sông và trở thành một trong 10 bài hát truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng…

Có lẽ bài hát được người dân Việt Nam hát nhiều nhất, hát trong những dịp kỷ niệm trang trọng nhất của đất nước cho tới những buổi liên hoan nho nhỏ thân mật đầm ấm của tuổi trẻ hôm nay, đó là “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Ca khúc được phát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam đúng ngày Chiến thắng 30/4/1975, kết thúc cuộc trường chinh 30 năm thống nhất đất nước của Cách mạng Việt Nam và cũng là ca khúc kết thúc cho cuộc trường chinh vinh quang của âm nhạc Cách mạng trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của dân tộc. Chính nhạc sỹ Phạm Tuyên cũng không ngờ rằng, ca khúc của ông đã sống, sống mãi cùng đất nước cho tới tận ngày hôm nay.

me yeu con
me yeu con

Những ca khúc Cách mạng đã và vẫn sẽ được GenZ và các thế hệ kế tiếp hát, thể hiện bằng những phiên bản mới trẻ trung, hấp dẫn, hiện đại hơn, tình cảm hơn.

Khi viết bài này, tôi nhận thấy rằng, có những thời điểm, thế hệ kháng chiến đi trước sẽ lo lắng rằng, thế hệ trẻ ngày hôm nay sẽ quên đi những ca khúc Cách mạng và điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ sẽ quên đi lịch sử hào hùng của cha anh, quên đi một binh chủng âm nhạc Cách mạng đã “chiến đấu” cùng cha anh họ suốt cuộc kháng chiến 30 năm để giành toàn thắng.

Nhưng ngày hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, các thế hệ đi trước hãy yên tâm và tin tưởng vào thế hệ trẻ. Những ca khúc Cách mạng đã và vẫn sẽ được GenZ và các thế hệ kế tiếp hát, thể hiện bằng những phiên bản mới trẻ trung, hấp dẫn, hiện đại hơn, tình cảm hơn. Bởi những ca khúc đã được sáng tác từ trái tim, từ tình yêu quê hương, đất nước của những người trẻ tuổi đã cầm súng để thống nhất Tổ quốc thì chắc chắn sẽ luôn sống trong trái tim của những người trẻ tuổi – một thế hệ không chỉ có một trái tim “số”, một trái tim “xanh” trong thời đại chuyển đổi xanh và chuyển đổi số - mà còn có một trái tim hồng – trái tim có những bài ca Cách mạng của các thế hệ cha ông.

Tác giả: Nguyễn Phước Thắng

Nguyễn Phước Thắng