Chiến dịch giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những trận đánh quan trọng nhất của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Chiến dịch không chỉ mang tính chiến lược trong việc phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân đội ngụy quyền Sài Gòn mà còn tạo đà quyết định cho việc giải phóng hoàn toàn miền nam.
Từ chiến thắng Thượng Đức năm 1974 đến chiến dịch Tiên Phước - Tam Kỳ và cuối cùng là giải phóng Đà Nẵng, mỗi bước tiến đều thể hiện sự quyết tâm, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết của quân và dân ta.
Quân giải phóng làm chủ cầu Tam Kỳ.Đoàn quân tiến vào giải phóng Đà NẵngĐoàn quân tiến vào giải phóng Đà Nẵng
Trong số báo ra ngày 30/3/1975, Báo Nhân Dân đã dành vị trí trang trọng trên trang nhất đưa tin về chiến thắng tại Quảng Nam, với dòng tít "Giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam".
Bản tin cho biết, quân ta đã giải phóng tỉnh Quảng Đà, làm chủ nhiều khu vực quan trọng trong thành phố Đà Nẵng.
Báo Nhân Dân số ra ngày 30/3/1975.
Cũng theo bản tin, hơn 2.000 binh sĩ ngụy ở Hòa Cầm đã làm binh biến, trở về với nhân dân. Trong khi đó, quân đội ta đã làm chủ Đệ Đức, Bình Khê; đang đánh địch ở gần Quy Nhơn. Quân ta cũng đã giải phóng Thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng) và bắt 5.500 tên địch ở Quảng Ngãi.
Để chúc mừng cho chiến thắng ý nghĩa này, Báo Nhân Dân đăng bài xã luận với tiêu đề "Quảng Nam giải phóng, hoan hô Quảng Nam anh hùng". Bài xã luận có đoạn viết
Các lực lượng giải phóng và nhân dân Quảng Nam phối hợp tiến công, nổi dậy và vận động binh sĩ Ngụy, đã giành được thắng lợi vẻ vang! Quảng Nam một tỉnh lớn, rộng khoảng 12.000km2, bao gồm thị xã Hội An, thị xã Tam Kỳ và 12 huyện đã được giải phóng! Nhiệt liệt chúc mừng các chiến sĩ và đồng bào Quảng Nam anh hùng!
Ngay sau đó, trang nhất Báo Nhân Dân số ra ngày 31/3/1975 đã đưa tin "Giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền nam".
Báo Nhân Dân số ra ngày 31/3/1975
Theo bản tin, quân ta đã tiêu diệt được rất nhiều quân địch, bắt rất nhiều tù binh và thu được toàn bộ vũ khí. Hàng ngàn binh lính, sĩ quan Ngụy đã làm binh biến và mang vũ khí về với cách mạng.
Một thông tin quan trọng khác được nhắc đến trong bản tin đó là, hạng chục vạn đồng bào đã chống lại âm mưu địch cưỡng ép rút chạy, mang cờ ra đón quân giải phóng.
“
Thắng lợi của Quảng Nam-Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược to lớn.
Đặc biệt, trên trang nhất này, Báo Nhân Dân cũng đăng bài xã luận với tiêu đề "Từ đỉnh Ngũ Hành vang lên bài ca đại thắng mới". Bài xã luận có đoạn viết:
“
Bản anh hùng ca Quảng Nam-Đà Nẵng, hòa với những bản anh hùng ca Tây Nguyên, Thừa -Thiên Huế, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long,... thể hiện sự hài hòa của miền nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc chiến đấu và chiến thắng dưới ngọn cờ đại nghĩa quyết giành độc lập tự do.
Bài xã luận cũng khẳng định, thắng lợi của Quảng Nam - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược to lớn, vừa tạo thêm điều kiện thuận lợi, vừa đem lại kinh nghiệm quý báu cho chiến sĩ và đồng bào các nơi khác hào hứng xốc tới.