Buổi gặp mặt là dịp để những người lính năm xưa cùng nhau ôn lại chặng đường 823 ngày đêm đấu tranh kiên trì, bền bỉ và mưu trí của hai Đoàn đại biểu quân sự đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam nhằm thực thi các điều khoản quân sự của Hiệp định Paris.
Cuộc gặp mặt cũng là cơ hội để thế hệ trẻ được chạm vào ký ức lịch sử qua lời kể của các nhân chứng, từ đó hun đúc lòng yêu nước và tiếp nối tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Các cựu chiến binh Ban liên hợp Quân sự - Trại Davis giao lưu với khán giả.
Người hai lần cắm cờ chiến thắng
Những ngày cuối tháng 4/1975, không khí tại Trại Davis vô cùng căng thẳng. Ngày 26/4, Đại tá Võ Đông Giang, Phó trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời, tổ chức họp báo với đông đảo phóng viên quốc tế, tuyên bố lập trường kiên quyết: Mỹ phải chấm dứt mọi can thiệp vào tình hình nội bộ miền nam, chính quyền Việt Nam Cộng hoà phải đầu hàng vô điều kiện.
Chiều 28/4, sân bay Tân Sơn Nhất rung chuyển bởi đợt không kích dữ dội của quân Giải phóng. Trại Davis nằm ngay sát sân bay, để bảo đảm an toàn, đoàn đại biểu của ta đã xuống hầm trú ẩn.Từ trong lòng đất, các cán bộ, chiến sĩ cảm nhận rất rõ thời khắc giải phóng đang đến gần.
Sáng 29/4, tân Tổng thống Dương Văn Minh cử một đoàn đại diện đến Trại Davis để thương lượng việc bàn giao chính quyền. Tại hầm sở chỉ huy, họ trình bày muốn đến đây để đề nghị được thương lượng, tránh thương vong cho lực lượng hai bên. Đáp lời, Đại tá Võ Đông Giang dứt khoát nhắc lại lập trường đã công khai tại cuộc họp báo ngày 26/4: Chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.
9 giờ sáng ngày 30/4, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ra lệnh cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên tháp nước ở Trại Davis, chiến sĩ Phạm Văn Lãi được giao nhiệm vụ quan trọng này.
Ông Lãi vào kho, chọn lá cờ lớn nhất, ôm trước ngực, rồi tiến nhanh về phía tháp nước, là nơi có vị trí cao nhất trong trại. Trên đường đi, ông nhặt một đoạn ống nước để dùng làm cán cờ, lấy một đoạn dây thép và nhờ cảnh vệ Nguyễn Văn Cẩn hỗ trợ.
“Tôi trèo lên trước, anh Cẩn trèo sau. Lên tới đỉnh tháp, tôi buộc lá cờ thật chắc, rồi buông tay. Lá cờ gặp gió tung bay phần phật trong tiếng pháo rền vang từ sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Lãi xúc động kể.
“Lúc đó, tôi chỉ tập trung vào việc buộc cờ mà không nghĩ gì tới sự nguy hiểm, dù biết bên ngoài trại luôn có lính Việt Nam Cộng hòa đứng gác.”
Một thành viên trong tổ báo chí của phái đoàn Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam nhìn thấy ông Lãi treo cờ đã chạy đến, ra hiệu cho ông đứng tại đó để chụp ảnh.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi chỉ tay vào bức ảnh chụp ông treo cờ Giải phóng trên tháp nước ở Trại Davis.
Lúc ấy là 9 giờ 30 phút sáng, một trong những thời khắc đầu tiên cờ Giải phóng xuất hiện tại Sài Gòn. Bức ảnh chụp ông Lãi đứng bên lá cờ ngay sau khi cắm xong đã trở thành khoảnh khắc lịch sử.
Chỉ hai giờ sau, đúng 11giờ 30 phút, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp Bùi Quang Thận cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Chiều 30/4, Ủy ban Quân quản Sài Gòn thành lập, một số cán bộ, chiến sĩ từ Trại Davis được điều động về đây nhận nhiệm vụ, trong đó có Thượng sĩ Phạm Văn Lãi.
“Sáng 1/5, tại Dinh Độc Lập, tôi cùng đồng đội được giao nhiệm vụ thay lá cờ anh Bùi Quang Thận đã cắm vào trưa hôm trước, để treo lá cờ khác to hơn”, ông Lãi chia sẻ.
Ông Phạm Văn Lãi sinh năm 1952 tại Thái Bình. Năm 1971, khi đang theo học tại Trường Cán bộ thể dục thể thao Trung ương, ông tình nguyện nhập ngũ và được điều về Cục Chính trị Miền. Sau Hiệp định Paris 1973, ông trở thành thành viên Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời tại Trại Davis.
Trong suốt 823 ngày đêm, ông cùng đồng đội đã đấu tranh với kẻ thù không bằng súng đạn, mà bằng ý chí và sự khôn khéo. Dù sống trong điều kiện ngặt nghèo, bị địch bao vây, theo dõi, cắt điện, nước, dùng đủ chiêu trò tinh vi để lung lạc tinh thần. Nhưng tinh thần cách mạng không hề lay chuyển, các cán bộ, chiến sĩ vẫn tăng gia sản xuất, đào hầm trú ẩn, tập luyện, chờ thời cơ tổng tiến công…
Sau ngày giải phóng, ông Lãi tiếp tục phục vụ trong Ủy ban Quân quản rồi chuyển công tác về Văn phòng Chính phủ. Năm 2012, ông nghỉ hưu, trở về quê hương Thái Bình.
Dẫu chiến tranh đã đi qua nhiều thập kỷ, nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu trong lòng địch, đặc biệt là khoảnh khắc sống giữa không khí rực lửa của ngày toàn thắng 30/4/1975, vẫn âm vang trong ông như một bản hùng ca vang mãi.
Ngã xuống trước bình minh
Trong buổi giao lưu, cựu chiến binh Bùi Đức Hòa, quê ở Bắc Giang, nguyên Tiểu đội trưởng đặc công, kể câu chuyện đầy xúc động, bi tráng về hai người đồng đội đã hy sinh ngay trước ngày toàn thắng 30/4.
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 28/4/1975, một tốp máy bay A37 của quân ngụy bất ngờ lao đến, trút bom xuống Trại Davis. Khói lửa bốc lên, những mảnh bom văng khắp nơi, tiếng la hét, tiếng súng phòng không địch bắn trả, hòa lẫn trong tiếng bom nổ…
Khoảng gần 4 giờ sáng 29/4, pháo hạng nặng của quân Giải phóng bắt đầu dội xuống dồn dập sân bay Tân Sơn Nhất. Mặt đất rung chuyển, cả khu vực sân bay chìm trong khói lửa, những mảnh đạn pháo văng rào rào. Trung sĩ Nguyễn Quang Hòa, quê ở Thanh Hóa, đang làm nhiệm vụ cảnh giới thì một mảnh đạn pháo bất ngờ găm trúng động mạch cổ bên trái của anh, máu trào ra thấm đẫm áo...
Trong làn mưa đạn, đồng đội đưa anh xuống hầm quân y cấp cứu. Nhưng vết thương quá nặng, Trung sĩ Nguyễn Quang Hòa đã trút hơi thở cuối cùng, khi bình minh của ngày 30/4 lịch sử đang đến gần.
Cũng trong loạt đạn pháo đầu tiên ấy, Thượng úy an ninh Nông Văn Hưởng, quê Bắc Kạn, đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Trong suốt 823 ngày đêm hoạt động giữa lòng địch, Thượng úy Nông Văn Hưởng vừa làm công tác trinh sát kỹ thuật, vừa bảo vệ an toàn cho phái đoàn, góp phần vào việc thi hành Hiệp định Paris.
Tiểu đội trưởng Bùi Đức Hòa cùng chiến sĩ Đặng Trọng Lương được giao nhiệm vụ khâm liệm và chôn cất tạm hai người đồng chí. Họ bọc hai anh trong bộ ga trắng, áo ni-lông dã chiến, cẩn thận ghi tên, quê quán, đơn vị... đặt các anh nằm cạnh nhau ngay sát cửa hầm quân y.
Không có hương hoa, không có kèn truy điệu, chỉ có ánh sáng của pháo ta nã vào đầu địch thay lời tiễn biệt. Trong bóng tối và khói bom, ông Hòa cùng các đồng đội cúi đầu lặng lẽ.
"Ngoài hai đồng chí làm nhiệm vụ canh gác đã hy sinh, còn có ba đồng chí bị thương nặng”, ông Hoà xúc động chia sẻ.

Các cựu chiến binh và thân nhân tham gia buổi giao lưu.
Hiện nay, liệt sĩ Nguyễn Quang Hòa vẫn yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Còn liệt sĩ Nông Văn Hưởng đã được gia đình đón về quê nhà.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, trong ký ức của các cựu chiến binh Ban Liên hợp Quân sự - Trại Davis, hình ảnh hai đồng đội ngã xuống ngay trước ngày toàn thắng vẫn khắc sâu như mới hôm qua.
Trung sĩ Nguyễn Quang Hòa và Thượng úy Nông Văn Hưởng đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, ngã xuống khi chỉ còn chưa đầy một ngày nữa miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sum họp một nhà. Sự hy sinh của các anh là một nốt trầm thiêng liêng trong bản hùng ca vĩ đại của dân tộc.