Ký ức một cựu tù về ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng

VÕ MẠNH HẢO 18/04/2025 06:44

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày cho biết, Ngày giải phóng Côn Đảo (1/5/1975) là thời khắc hạnh phúc nhất, xúc động nhất trong cuộc đời bà. Những ký ức về năm tháng ở “địa ngục trần gian” vẫn còn in đậm trong tâm trí của người tù chính trị năm xưa, dù thời gian đã lùi xa nửa thế kỷ.

Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam từng bị địch bắt, tù đày. (Ảnh: MẠNH HẢO)
Bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam từng bị địch bắt, tù đày. (Ảnh: MẠNH HẢO)

Theo lời kể của bà Hoàng Thị Khánh, trước khi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo, bà được phân công làm Đội trưởng Võ trang tuyên truyền thuộc Tuyên huấn quân khu Sài Gòn-Gia Định. Đơn vị này ra đời ngay sau khi kết thúc đợt 1 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với hai nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh tuyên truyền thắng lợi của quân ta trên tất cả mặt trận và xây dựng vùng lõm chính trị ngay trong sào huyệt của địch.

“Đội của tôi ban đầu chỉ có vài người, sau tăng lên 18 người, hầu hết đều là nữ. Chúng tôi thường xuyên hoạt động trong nội thành làm cho địch không thể nào yên”, bà Khánh nhớ lại.

Hoạt động hơn một năm, bà Khánh và một số đồng đội bị địch bắt khi đang làm nhiệm vụ rải truyền đơn, treo cờ, biểu ngữ ở khu vực chợ Bến Thành. Sau khi bị giam giữ tại nhiều nơi, đến tháng 11/1969, bà bị địch đày ra Côn Đảo.

Theo lời bà Khánh, so với những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc đánh đập, tra tấn dã man tù chính trị tại Côn Đảo đã giảm nhiều sau nhiều đợt đấu tranh của ta, tuy nhiên mức độ đày đọa của địch với tù chính trị thì tàn bạo hơn. Mọi người không được tắm nắng, tắm nước cho nên nhiều đồng chí bị bệnh ngoài da như ghẻ chùm bao, đen chân và cả hoại thư sinh hơi. Những bữa cơm thường chứa đầy giòi hay ruồi nhặng bám đầy; đến mùa gió thì bát cơm của mỗi đồng chí cũng phủ một lớp cát, phải gạt ra mới ăn được. Dù bị đày đọa cùng cực, các đồng chí tại Côn Đảo đều thực hiện nghiêm khẩu hiệu “ăn để sống”, “ăn để có sức chiến đấu”.

Suốt thời gian bị giam cầm ở Côn Đảo, các đồng chí tù chính trị đều tổ chức nhiều hoạt động từ học chính trị, học văn hóa, đến học thêu thùa, chăm sóc người già. Cùng với đó, các cuộc đấu tranh được tổ chức nhằm đòi quyền lợi thiết yếu. Một trong những cuộc đấu tranh tiêu biểu là đợt tuyệt thực kéo dài 13 ngày để đòi những quyền lợi cơ bản, như: Được tắm nắng, tắm nước; cơm không có thóc, cát; mắm không có giòi; mỗi tuần ít nhất 3 ngày bữa cơm có rau; khi có đồng chí chết phải được an táng,…

Để cuộc đấu tranh thành công, các trại đã bố trí những đồng chí nữ khỏe mạnh, kiên cường ra ở bên ngoài, những đồng chí yếu ở vòng trong để được chăm sóc, bảo đảm sức khỏe. Cuộc tuyệt thực đã thành công, địch buộc phải chấp nhận đáp ứng những yêu sách của ta.

Cuộc đấu tranh chống lăn tay, chụp hình đòi thực hiện Hiệp định Paris cũng là một cuộc đấu tranh lớn của các đồng chí tù chính trị tại nhà tù Côn Đảo. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, biết có chủ trương trao trả tù binh chính trị, địch đã âm mưu chuyển các tù binh chính trị thành tù thường phạm để không phải thực hiện việc trao trả. Phần đông tù chính trị bị chúng giữ lại và bị cưỡng bức phải nhận mình là “gian nhân hiệp đảng” - tội phạm về tội trộm cướp, không phải tù chính trị. Chúng tổ chức các buổi xử án ngay tại Côn Đảo.

Biết được ý đồ thâm độc của kẻ thù, các đồng chí đã đưa ra nghị quyết không tham gia xử án, bằng mọi cách vô hiệu hóa việc lấy dấu vân tay và chụp ảnh để làm hồ sơ mới. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều đồng chí đã chà ngón tay xuống đất đến tóe máu để xóa dấu vân tay.

Những tháng đầu năm 1975, địch liên tục chở tù chính trị trong đất liền ra đảo. Nhiều đồng chí đã lén mang radio ra đảo để theo dõi hành trình giải phóng của quân ta. Tuy nhiên, khi địch phát hiện và tịch thu hết radio, các đồng chí không còn nguồn thông tin về chiến sự. Đêm 26/4, 27/4, các đồng chí biết tin địch gài mìn quanh các trại giam, mọi người đều nghĩ chắc bọn chúng muốn thủ tiêu tù nhân. Dù vậy, không một ai nao núng vì tất cả đã xác định đi làm cách mạng phải chấp nhận hy sinh.

Đến ngày 29-30/4, nhà tù Côn Đảo trở nên vắng lạ. Mọi người phát hiện hàng chục máy bay chở sĩ quan từ đất liền ra Côn Đảo để di tản. Tất cả các trại quyết định tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 để động viên tinh thần.

Rạng sáng 1/5, một cai quản đến trại 6B cầm chùm chìa khóa và nói: “Bên mấy bà thắng rồi, mấy bà ra đi!”. Mọi người không tin và yêu cầu được nghe tin tức qua radio, lúc này mọi người mới tin quân ta đã giành thắng lợi.

“Tất cả đều vui sướng nhảy lên, không ai đứng yên được. Mọi người mừng rỡ và hô to: “Mình thắng rồi! Mình sống rồi! Hồ Chí Minh muôn năm! Một cảm xúc dâng trào, thật khó tả!”, bà Hoàng Thị Khánh nhớ lại.

Sau khi mở cửa hết các trại giam, ta thành lập Đảng ủy và đề ra các công việc như lập Ban công tác dân vận, thành lập Chính quyền cách mạng ở Côn Đảo, tổ chức bộ phận lo hậu cần,… Dù được giải phóng khỏi trại giam, các đồng chí chưa liên lạc được với đất liền, chưa biết quân địch chạy vào rừng, ra các đảo nhỏ rồi sẽ làm gì. Các đồng chí vừa phải lo bảo vệ, vừa lo bảo đảm tiếp tế cho mấy nghìn con người trong lúc kho lương thực ngày càng cạn, củi đốt thiếu, đồng thời phải lo giải quyết các vấn đề nội bộ cho nên mọi thứ đều trở nên gấp gáp, căng thẳng.

Đến tối 3/5, Ban Chỉ huy quân sự trên đảo bắt được 3 người nhái, nghi là thám thính của đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, khi hỏi ra thì mới biết đây là đồng đội của ta được tàu chiến từ ngoài khơi thả vào trinh sát đảo.

Sáng 4/5/1975, quân giải phóng từ tàu chiến đổ bộ lên đảo. Đến 3 giờ chiều tại sân dinh Chúa đảo, nay là trụ sở Ủy ban Cách mạng, đã cử hành lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Hàng nghìn cựu tù mang cờ Mặt trận, cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cùng với cư dân trên đảo reo hò vang dội. Mọi người vừa hát vừa khóc, ước mơ cả đời chiến đấu nay đã trở thành hiện thực, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, nhà tù “địa ngục trần gian” này sẽ được xóa bỏ vĩnh viễn.

Và giây phút ấy sẽ còn mãi trong tâm khảm của các chiến sĩ cộng sản trung kiên!

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ky-uc-mot-cuu-tu-ve-ngay-con-dao-hoan-toan-giai-phong-post873365.html
Copy Link
https://nhandan.vn/ky-uc-mot-cuu-tu-ve-ngay-con-dao-hoan-toan-giai-phong-post873365.html
    Ký ức một cựu tù về ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng
    • Mặc định