Ngày 12/4, tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Văn Á tổ chức ra mắt hai tác phẩm, gồm tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" do Nhà xuất bản Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sự kiện quy tụ nhiều văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học.
Nhà thơ Nguyễn Văn Á quê ở làng Văn Giang (nay là thôn Đại Thịnh), xã Sơn Thịnh (nay là An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Làng Văn Giang được ví như một "dòng sông văn", nên từ mảnh đất này đã sinh ra nhiều người con ưu tú là trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng đã và đang cống hiến tài năng cho đất nước. Yêu văn chương nhưng cũng là người cẩn trọng, mãi đến năm nay, tác giả mới cho xuất bản liền hai tập sách.

Sáng tác văn chương đã lâu nhưng đến nay tác giả mới xuất bản sách.
Chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình, nhà thơ Nguyễn Văn Á tâm sự, tuy quê nội ông ở làng Văn Giang, nhưng do hoàn cảnh kháng chiến chống Pháp, cha mẹ ông đã lấy xóm Bồng Châu, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An để an cư lập nghiệp.
"Mẹ tôi qua đời năm 35 tuổi, để lại cho cha tôi một mình nuôi bốn con thơ khi em trai của tôi mới 3 tháng tuổi. Cảnh cha gà trống nuôi con và cuộc đời nghèo khó đã đeo đẳng tôi bằng những tháng năm cơ cực bần hàn. Cái 'nốt lặng' sẽ còn theo tôi đi suốt cuộc đời", tác giả xúc động chia sẻ.
Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như thế nên ký ức tuổi thơ và biên niên sử cuộc đời đã tôi luyện tác giả thành con người sớm lập thân, lập nghiệp.
Những gì đã đến và đi qua trong cuộc đời tôi là những kỷ niệm buồn, nhưng là chất xúc tác đã định hướng cho tôi bước đi trên con đường thiện nguyện làm một người sống có ích cho đời.
Nhà thơ Nguyễn Văn Á
Những gì tác giả viết ra trong tập thơ "Giọt sương bên cửa sổ" chính là tiếng tơ lòng và tập truyện ký "Phía Nam sông Bến Hải" là sự khởi đầu của nghiệp văn chương sau 55 năm cầm súng và cầm bút. Với tinh thần cầu thị, tác giả đã mở lòng đón nhận những ý kiến từ giới phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và bạn đọc để sàng lọc những điều ông thẳng thắn gọi là "hạt sạn" trong các tác phẩm tiếp theo.
Dùng văn chương để tri ân cuộc đời, tri ân người có công với nước là nghĩa cử cao đẹp, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người cầm bút. Đó là thông điệp tác giả muốn gửi tới công chúng thông qua các tác phẩm.

Nhiều văn nghệ sĩ và các cựu chiến binh có mặt để chia sẻ niềm vui cùng tác giả.
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại ôn lại kỷ niệm không thể nào quên: "Tôi gặp Nguyễn Văn Á khoảng đầu những năm 1980. Anh ào về Hà Nội như một cơn gió rừng Vị Xuyên, quân phục còn khét mùi bom đạn. Ngày ấy, tôi cũng vừa từ mặt trận Lạng Sơn-Cao Bằng về, làm biên tập viên văn nghệ của Báo Nhân Dân. Chuyện giữ chốt, chuyện đồng hương, chuyện thơ xoắn xuýt... Rồi năm 1988, anh lại đến 71 Hàng Trống (Hà Nội) với một tập giấy đủ kiểu, đó là bản thảo thơ chép tay, chữ to như "gà mái mạ". Nhìn vẻ ngoài, Á "quê một cục", lính thứ thiệt mà thơ thi quá dịu dàng".
Trong mắt nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Văn Á là người chân thực, giản dị và rất quyết tâm. Gia đình ông cũng đã có nhiều đóng góp với cách mạng, trong đó hai anh trai của Nguyễn Văn Á, một người là thương binh, một người là liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngoài sự lôi cuốn trong tác phẩm, câu chuyện cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Á khiến nhiều người không nén nổi xúc động. Suốt hơn 20 năm ông đi tìm hài cốt liệt sĩ của anh trai, càng thấu hiểu nỗi đau và niềm mong mỏi của thân nhân liệt sĩ khi chưa tìm thấy mộ người thân buồn tủi đến thế nào. Ông đã khắc họa hành trình ấy trong nhiều tác phẩm của mình.
Đọc "Giọt sương bên cửa sổ" của tác giả Nguyễn Văn Á - người lính trọn đời vì Tổ quốc thời chống Mỹ, có cảm giác như đọc lại phần đời mình trong suy nghĩ của thế hệ đi trước. Phải chăng người ta vẫn nói thơ là tiếng nói tri âm, đồng điệu, là như thế chăng. Chỉ biết, tập thơ nói thật những nghĩ suy người lính trong lúc cầm súng và lúc buông súng - thời hòa bình".
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình Văn học Nguyễn Thanh Tú
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, cách "điêu khắc" riêng về người mẹ trong tập thơ là đặt mối quan hệ người mẹ - ngôi mộ. Có cả ngôi mộ không tên. Mẹ đi tìm con chẳng thấy, thế là tất cả linh hồn đã chết vì Tổ quốc đều là con mẹ:
"Bình rượu kia và nải chuối bây giờ
Mẹ phân phát, thôi, mỗi người một tý
Cho con bớt cô đơn giữa bao đồng chí
tháng năm còn nằm lại cánh rừng xa
Đêm xuống rồi thấm lạnh giọt sương sa
Chiếc tiểu rỗng nặng đè trên lưng mẹ
Con ở lại với cánh rừng săng lẻ
nước mắt cạn rồi - tiếng mẹ lạc về đâu"
(Bên nấm mộ không tên)
Lời thơ ấy đã nâng hình tượng người mẹ lên tầm vóc vĩ đại và lớn lao hơn nhiều: Mẹ của chung tất cả, chung cho cả đất nước này.

Nhà thơ Nguyễn Văn Á có nhiều tác phẩm viết về lịch sử và ký ức hào hùng của dân tộc.
"Tôi coi những câu thơ tình trong “Giọt sương bên cửa sổ" nói thay tiếng nói tình yêu của mình: "Một mình gánh những mùa trăng/ Đêm đêm lần mối tơ giăng - một mình"; "Sông quê chiều ấy mưa tuôn/ Em đi nhuốm cả nỗi buồn chiều đông" (Bến sông cổ tích).
Tôi coi những câu thơ sau thật hay: "Thôi đành nhặt cánh hoa rơi/ Nhốt vào ký ức nhớ thời đã yêu/ Rượu tình còn lại bấy nhiêu/ Mà hương thầm mãi nhắc điều xót xa" (Hoa bưởi).
Tôi nhận thấy tập thơ đậm phẩm chất thi sĩ, tác giả xứng đáng là một thi sĩ: "Anh nhặt nắng chiều đông trên lá cỏ/ Cùng heo may đợi cánh én xuân về/ Miền ký ức theo mây chiều bảng lảng/ Cứ vật vờ tỉnh-thức với hoàng hôn" (Nhặt nắng)", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh.

Nhà thơ Nguyễn Văn Á (bên phải).
Ông cho rằng, xét đến cùng, thơ mới, thơ cũ cũng đều là tiếng nói tâm trạng. Qua thơ hiện lên chân dung nhân cách con người với nghĩ suy, khát khao, chiêm nghiệm... Qua thơ, còn hiện cả một thời đại, một không gian văn hóa. "Với riêng tôi, "Giọt sương bên cửa sổ" nói lên nhân cách đáng kính trọng của người lính, nói lên một thời đại văn hóa tất cả vì Tổ quốc quyết sinh. Đây là tiếng thơ đáng quý, đáng được sẻ chia, tôn vinh".
Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh bày tỏ: "Không chỉ là một vùng ký ức chân thực của một cựu chiến binh đã có những tháng ngày cùng đồng đội chiến đấu kiên cường trên nhiều mặt trận để đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, "Phía Nam sông Bến Hải" còn là những trang văn học sử giá trị với nhiều biên độ cảm xúc. Những trận đánh mà tác giả đã trải qua, những người lính kiêu dũng, quả cảm mà tác giả đã cùng chung chiến hào, những câu chuyện nhân bản mang nghĩa tình đồng đội và sự gắn bó máu thịt của quân dân trong thời chiến... đã được anh tái hiện bằng giọng văn trần thuật, mang hơi thở chân thực và góc nhìn xác tín của người trong cuộc nên thực sự ấn tượng với người đọc".
Qua "Phía Nam sông Bến Hải", ta sẽ thấy nỗi đau của người lính trận trào lên trang viết, sẽ thấm thía sâu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh và vết thương hậu chiến không thể nào lành lại. Nhưng cũng qua đó, ta thấu hiểu được cái giá của hòa bình không thể lượng hóa bằng những con số hay miêu tả bằng từ ngữ... ta tự hào biết mấy về một dân tộc Việt Nam anh hùng, với ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết đã làm nên những chiến công vĩ đại.