Bến Vàm Lũng - bến cảng giữa lòng dân

PHƯƠNG BẰNG 11/04/2025 11:13

NDO - Giữa những cánh rừng đước bạt ngàn xanh thẳm, nơi tận cùng Tổ quốc, có một bến cảng đặc biệt - Bến Vàm Lũng. Nơi đây không chỉ là điểm cập bến của những con tàu không số huyền thoại, mà còn là “bến cảng giữa lòng dân”.

Khu di tích lịch sử Bến Vàm Lũng tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Khu di tích lịch sử Bến Vàm Lũng tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Cứ mỗi khi nhắc đến những chiến công hiển hách của đường Hồ Chí Minh trên biển, không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng vô cùng to lớn của người dân vùng đất Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Lòng dân đã trở nên thành quách vững chắc, một căn cứ bất khả xâm phạm, giúp che giấu, bảo vệ những con tàu không số và những chiến sĩ kiên trung của Đoàn 962 để những chuyến tàu chở vũ khí từ bắc vào nam cập bến an toàn, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đoàn 962, Quân khu 9 được Trung ương Cục miền Nam thành lập vào tháng 10/1962 với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các bến bãi tiếp nhận vũ khí từ hậu phương miền bắc chi viện cho tiền tuyến miền nam đánh Mỹ. Từ ngày thành lập đến năm 1975, Đoàn 962 đã tiếp nhận 124 lượt từ đoàn tàu không số vào các bến, với hơn 7.000 tấn vũ khí.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 cho biết: vùng đất Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là nơi bác Lê Duẩn bám trụ ở đây hoạt động cách mạng, là cái vùng của cuộc khởi nghĩa nam kỳ do ông Phan Ngọc Hiển chỉ đạo. Cho nên, người dân ở đây đã được rèn luyện và trở thành cái nôi của cách mạng.

Bến Vàm Lũng - bến cảng giữa lòng dân ảnh 1

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, Quân khu 9 hướng dẫn cho phóng viên điểm tập kết vũ khí tại bến Vàm Lũng trên bản đồ.

Tại bến cảng này cách nay 64 năm, chiếc tàu đầu tiên do Anh hùng lực lượng vũ trang Bông Văn Dĩa chỉ huy, cùng đoàn thủy thủ xuất phát từ rạch Cá Mòi (Cà Mau) đã vật lộn 7 ngày đêm với sóng gió để cập bến sông Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình) vào ngày 7/8/1961.

Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 10/4/1962 đội tàu của Bông Văn Dĩa rời cửa sông Nhật Lệ theo đường biển vào nam. Đêm 18/4/1962, tàu cập bến Vàm Lũng an toàn, chở trên 30 tấn vũ khí. Cũng trong năm đó, bến này còn tiếp nhận thêm hơn 100 tấn vũ khí từ các tàu không số khác. Từ đây, vũ khí được chuyển đi khắp các chiến trường.

Trung úy Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962 nhớ lại: tôi cùng một số đồng đội có nhiệm vụ đóng quân tại các vàm cập mé biển qua rất nhiều vàm như: Hố Gùi, Giá Lồng Đèn, Vàm Lũng, Vàm Kiến Vàng... để cho tàu vận chuyển vũ khí vào bến an toàn. Nhưng đối với Vàm Lũng lại rất đặc biệt bởi trước khi chuyển vũ khí từ phía bắc vào thì mình đã chuẩn bị kho tàng, bến bãi hết rồi cất trong kênh rạch nhỏ, kín đáo, rừng rậm đảm bảo không cho địch và máy bay phát hiện. Nói chung từ khi nhận hàng, giữ kho vũ khí là đảm bảo 100%.

Theo Đại tá Khưu Ngọc Bảy, để tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số được an toàn, ngoài lòng quả cảm, sự sáng tạo của các cán bộ, chiến sĩ còn vấn đề cốt yếu là sự chở che, đùm bọc, bảo vệ của dân. Chính người dân là nguồn động viên về mặt tinh thần, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ từng manh áo, chén cơm để xây dựng nên một bến cảng độc đáo - bến cảng giữa lòng dân.

Để có một bến cảng an toàn phải di dời hơn 1 nghìn dân, mà họ tự giác nhường đất cho Đoàn 962. Một khu rừng mênh mông như vậy không có hàng rào thép gai, không có chông mìn mà chỉ có nhân dân bảo vệ vòng ngoài. Nếu không có dân thì thám báo sẽ phát hiện. Sự đùm bọc, che chở của nhân dân giúp cán bộ, chiến sỹ vững tâm chiến đấu. Chính tấm lòng, tình yêu thương, sự che chở và hy sinh thầm lặng của nhân dân đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang khắc sâu vào lịch sử như một bản hùng ca.

Đã mấy chục năm trôi qua nhưng bà Phan Thị Lợi ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, vẫn không quên được những năm tháng khó khăn trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài những thiếu thốn trăm bề, nhưng thiếu nước ngọt sinh hoạt và sử dụng là một trong những vấn đề bức bối nhất.

Bến Vàm Lũng - bến cảng giữa lòng dân ảnh 2

Bà Phan Thị Lợi ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau còn lưu giữ kỷ vật thiết bị lọc nước và hướng dẫn cho phóng viên cách sử dụng.

"Thời kỳ chiến tranh nhân dân ở đây khổ lắm, không có nước ngọt để uống và sinh hoạt nên từng hộ dân trong rừng tự chế tạo công cụ lọc nước mặn thành nước ngọt. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng dần dần có kinh nghiệm nên cất nước ngọt cũng đủ cho bộ đội dùng chung. Dù thiếu thốn, không đủ cơm ăn, nước uống, quân địch càn quét từng ngày, nhưng nhân dân Tân Ân, huyện Ngọc Hiển vẫn quyết tâm nuôi giấu bộ đội. Từng giọt nước nghĩa tình được bà con chắt chiu, san sẻ với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962, với tâm nguyện muốn làm sao đất nước mình được độc lập, tự do" - bà Phan Thị Lợi chia sẻ.

Bến Vàm Lũng - bến cảng giữa lòng dân ảnh 3

Trung úy Dương Thanh Hải, nguyên cán bộ Đoàn 962, Quân khu 9 đang thuyết trình về lịch sử Đoàn 962 cho học sinh, sinh viên.

Với bề dày truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng, giai thoại về những chiến công thầm lặng của đoàn tàu không số, dấu ấn về những chiến công của quân, dân Tân Ân, Ngọc Hiển đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975.

Hiện nay, bến Vàm Lũng là Di tích lịch sử huyền thoại về tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, một trong những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên ở Cà Mau.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/ben-vam-lung-ben-cang-giua-long-dan-post871387.html
Copy Link
https://nhandan.vn/ben-vam-lung-ben-cang-giua-long-dan-post871387.html
    Bến Vàm Lũng - bến cảng giữa lòng dân
    • Mặc định